Chào mừng bạn đến với website Bốn Niệm Xứ

1- VĂN HỌC VÀ SỰ SO SÁNH NHỮNG ĐÚNG SAI

1- VĂN HỌC VÀ SỰ SO SÁNH NHỮNG ĐÚNG SAI

NGÀY KHAI TRƯỜNG
Thứ Hai, ngày 17
Ba tháng hè thoảng qua như một giấc mơ, hôm nay đã là ngày khai trường cho một năm học mới. Sáng nay, mẹ đưa tôi đến trường Baretti để ghi danh nhập học lớp Ba. Thế nhưng, những ngày hè yên ả ở vùng quê vẫn còn vương trong tâm trí, tôi miễn cưỡng bước đi.

Học sinh tràn ra khắp các ngả đường. Hai cửa hàng sách đông nghịt các bậc phụ huynh đang chọn mua cặp, sách vở và đồ dùng học tập. Người nối tiếp người kéo nhau đi về phía cổng trường, bác bảo vệ phải chật vật dọn lối vào. Khi tới gần cổng, một bàn tay chạm nhẹ lên vai tôi. A, là thầy chủ nhiệm lớp Hai! Vẫn mái tóc đỏ bù xù, vẫn vẻ hiền từ, vui vẻ, thầy bảo tôi:

- Thế là từ nay thầy trò ta chia tay nhau rồi, Enrico nhỉ?

Tôi đã biết rõ điều này lắm chứ, song khi nghe thầy nói những lời này, tôi vẫn nghe lòng mình nhói lại.

Chúng tôi chật vật bước đi giữa đám đông, nào là đàn ông, đàn bà, nào là những người lao động và dân trí thức, người sang kẻ hèn, rồi cả ông già bà cả hay người giúp việc, mỗi người đều dắt tay một đứa trẻ, tay cầm sổ học bạ, chen chân đứng ở phòng chờ, trên các bậc cầu thang, tạo nên một cảnh tượng hết sức náo nhiệt. Tôi sung sướng nhìn thấy lại sảnh phòng rộng thênh thang với những cánh cửa dẫn vào bảy lớp học ở tầng một, nơi ghi dấu chân tôi suốt ba năm qua. Ở đó, tôi thấy các thầy cô giáo cũng đang tất bật, hối hả. Cô chủ nhiệm lớp Một đứng trước cửa phòng học nhìn tôi buồn bã nói:

- Enrico năm nay lên học tầng trên nhỉ? Vậy là cô sẽ không còn được nhìn thấy con đi qua đây nữa rồi!

Đằng kia, thầy hiệu trưởng đang bị một nhóm phụ nữ vây quanh, họ lo lắng vì trường không còn đủ chỗ cho con mình. Tôi để ý thấy hình như râu thầy bạc hơn một chút so với năm ngoái. Đám học trò thì trông phỗng phao hơn hẳn.

Ở tầng một, việc phân lớp đã xong nhưng mấy em lớp Vỡ Lòng, Lớp Một, vẫn ương bướng không chịu vào lớp. Người lớn phải lôi chúng đi xềnh xệch, vậy mà vẫn có đứa vừa bị ấn ngồi xuống ghế rồi còn cố vùng chạy; có đứa nhác thấy bố mẹ đi khỏi là khóc toáng lên, thế là bố mẹ đành quay lại dỗ dành, thậm chí dọa nạt đủ kiểu. Nhìn cảnh tượng ấy, các thầy cô chắc cũng không khỏi ngao ngán lòng.

Em trai tôi được xếp vào lớp của cô Delcati, tôi thì vào lớp của thầy Perboni ở tầng trên. Tới mười giờ, tất cả đều yên vị trong lớp của mình. Lớp tôi có năm mươi tư học sinh, và hình như chỉ có khoảng mười lăm, mười sáu người là bạn cũ từ lớp Hai lên, trong số đó có Derossi, người luôn đứng đầu trong các kỳ thi.

Hình ảnh những cánh rừng, những ngọn núi mà tôi đã rong chơi trong những ngày hè còn rõ nét trong trí óc, khiến trường học bây giờ có vẻ nhỏ bé hơn và có phần buồn chán. Lòng tôi vẫn mãi lưu luyến người thầy lớp Hai của mình. Thầy tốt lắm, với chúng tôi lúc nào thầy cũng dành sẵn một nụ cười. Vóc người thầy nhỏ tới nỗi khi đứng cùng chúng tôi, đố ai phân biệt nổi đâu là thầy, đâu là trò. Thật buồn khi không còn được trông thấy thầy đứng trước lớp với mái tóc đỏ bù xù và nụ cười hiền từ nữa.

Ngược lại, thầy giáo mới dong dỏng cao, thầy không để râu, mái tóc muối tiêu để dài, trên trán hằn một nếp nhăn thẳng đứng. Thầy có giọng nói to và dùng ánh mắt nghiêm nghị nhìn từng đứa, từng đứa một như thể đang lục xem trong đầu chúng tôi đang nghĩ gì vậy. Và tôi hầu như không thấy thầy cười. Tôi ngán ngẩm nghĩ thầm: "Mới là ngày đầu tiên thôi đấy. Còn những chín tháng nữa kia. Học hành, thi cử, toàn là những thứ ngán ngẩm". Tan học, tôi nôn nóng chạy ào đến bên mẹ và được vỗ về:

- Can đảm lên nào, Enrico! Mẹ con ta sẽ cùng nhau học mà.

Tôi về nhà, yên lòng hơn một chút. Nhưng tôi biết mình không còn người thầy cũ với mái tóc hoe đỏ hiền từ nữa và trường học bây giờ chẳng còn thú vị như xưa.
(Trích nguyên văn trong TÂM HỒN CAO THƯỢNG, do First News dịch)

NGÀY KHAI TRƯỜNG
Tại Thành Torino (1), thứ hai, ngày 17.
Hôm nay là ngày khai trường. 
Mấy tháng Hè đã thoáng qua như giấc mộng.
Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào Trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào. Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra Thầy Giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, Thầy bảo tôi:

- Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?

Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay Thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng.

Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chật phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt. Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!

Trên thềm, các Cô Giáo đi lại tới tấp. Cô Giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thấy tôi liền bảo:

- Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại!

Mẹ tôi đỡ lời:

- Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.

Chúng tôi chào cô rồi đi.

Ông Hiệu Trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham, người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc. Em trai tôi vào lớp Cô Đencatri, còn tôi thì học Thầy Perbôni ở trên gác.

Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả, 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.

So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh! Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ Thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông Thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy Thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.

Cụ Hà Mai Anh

Thầy Giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, Thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười. Tôi nghĩ bụng: ‘’Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ Hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta!’’, nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng:

- Enricô ơi! Hãy can đảm lên, con ạ! Mẹ sẽ cùng học bài với con…

Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông Thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.

(1) Tôrinô: một thành phố ở khu tây bắc nước Italia, trên sông Pô
(Trích nguyên văn NGÀY KHAI TRƯỜNG do Hà Mai Anh dịch trước 1975)

Lời bình: 
Trong hai bản dịch này của hai đối tượng, một trước và sau năm 1975 tất nhiên đều có những đúng sai, được và chưa được. Nếu muốn xác định bản dịch nào chuẩn, chính xác hơn, và bản nào hay hơn bản nào thì cần phải có bản gốc của tác giả Edmondo De Amicis. Còn khi đọc qua hai bản dịch này thật rất khó để chúng ta đưa ra quyết định bản nào dịch tốt và hay nhất. Bởi trong hai bản dịch này có những chi tiết đối lập, tức bản này có những chi tiết mà bản kia lại không có. Như đoạn cô giáo lớp Một nói với Enricô:

- Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại!

Câu văn này xác định cho chúng ta hiểu ra một sự thật rằng. Cô giáo lớp Một cho biết ít ra cũng sẽ được nhìn thấy cậu học trò cưng mà mình từng dạy sẽ còn qua lại trước cửa lớp. Vì muốn lên tầng trên thì Enricô phải đi ngang qua trước cửa lớp mà mình, tức cô giáo lớp Một đang dạy.

Nhưng câu văn dịch trong bản mới của First News lại viết như sau:

- Enricô năm nay lên học tầng trên nhỉ? Vậy là cô sẽ không còn được nhìn thấy con đi qua đây nữa rồi!

Với một câu văn thế này, tất nhiên người đọc sẽ hiểu, và sẽ nặn óc, tưởng tượng ra vụ việc xảy ra y như rằng. Khi lên học lớp Ba ở tầng trên thì Enricô sẽ KHÔNG CÒN ĐI NGANG QUA lớp Một nữa, nơi cô giáo cũ của mình đang dạy các học trò niên khóa mới. Bởi cầu thang lên tầng trên được thiết kế, đặt nằm ở ngoài trời! Hoặc lối dẫn lên cầu thang tầng trên không phải đi ngang qua các phòng học ở tầng dưới.

Thưa các bạn, muốn xác định được bản dịch của hai đối tượng này bản nào đúng, bản nào sai thì cần phải có bản gốc của tác giả người Ý như đã nói. Chứ khi đọc qua hai bản dịch như thế này chúng tôi miệng liền sùi bọt mép, mắt trợn trắng, đầu cắm xuống đất, hai chân chỗng lên trời ngay tức thì!

Thế mà các nhà trí thức Việt Nam như giáo sư John Vu-Nguyên Phong, Lê Viết Hải-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, nhạc sĩ Tuấn Khanh, MC Phan Anh lại xúm tâng bốc bản dịch của First News lên tới chín tầng mây!

Có thể các nhà trí thức Việt Nam ở trên chưa từng biết thời trước 1975 đã có một dịch giả tên là Hà Mai Anh đã từng dịch tác phẩm nổi tiếng này rồi chăng?

Bó tay đầu hàng cho lối dịch mơ hồ, nhập nhằng của đội ngũ dịch giả văn học First News cùng các nhà trí thức Việt Nam này vậy. Có thể nói như sau. Đám viết bậy, nói bậy thật ra không có gì đáng sợ. Mà sợ nhất là đám nhắm mắt nhắm mũi hô khẩu hiệu, tâng bốc bậy bạ hòng thuận nước đẩy thuyền, kiếm chác danh lợi.

Ôhô! Văn với chả học!

Tuy Phước, lúc 9h17 ngày 21 tháng 04 năm 2018
Bốn niệm xứ

{{Lang.related_posts}}

{{Lang.comments}} Facebook

Lên đầu trang